Vùng đất quận Hà Đông gắn với nền văn minh châu thổ sông Hồng, nơi có bề dày lịch sử văn hóa của dân tộc.

Di tích lịch sử – văn hóa ở quận Hà Đông phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình, tập trung nhiều ở các phường vốn trước đây thuộc các làng xã của hai huyện Thanh Oai và Hoài Đức.

Các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn quận chủ yếu là nghệ thuật kiến trúc thời Lê, Nguyễn. Chùa thờ phật. Đình thờ thành hoàng làng gồm những người có công với dân, với nước, với việc xây dựng làng xã. Đình, chùa, đền, miếu ở quận Hà Đông vừa mang yếu tố lịch sử văn hóa qua các kỷ nguyên của dân tộc, vừa xen lẫn sự kiện lịch sử cách mạng ở thế kỷ XX do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Tính đến năm 2019, toàn quận Hà Đông có 90 di tích được xếp hạng, trong đó có 51 di tích cấp quốc gia, 39 di tích cấp tỉnh.

Những di tích được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận và cấp bằng là những công trình bao hàm cả về giá trị lịch sử và nghệ thuật kiến trúc, hình thức lễ hội, tiêu biểu cho nhiều giai đoạn phát triển văn hóa của cộng đồng dân tộc. Di tích lịch sử văn hóa ở quận Hà Đông là những di sản vô giá mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, kết tinh trí tuệ, tinh thần và truyền thống của nhân dân qua các kỷ nguyên lịch sử của đất nước.

* Một số di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu:

– Đình Văn La:

Đình Văn La thuộc thôn Văn La. Đây là vùng đất thuở đầu có tên gọi trang Ba La, sau đổi là Văn La thuộc tổng Thắng Lãm, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng.

Ngôi đình dựng xây từ thời nhà Lê làm bằng gỗ mít, bốn mái lá đao cong đắp rồng. Đình đã qua hai lần tu sửa vào các năm 1858 và 1929. Đình thờ tướng quân Thiết Du, một người học rộng, tài cao, văn võ song toàn, có công tập hợp dân binh trong vùng tham gia cuộc khởi nghĩa của Lý Bí năm 542 đánh đuổi Thứ sử Tiêu Tư nhà Lương ở thế kỷ VI, góp phần giành độc lập cho đất nước, lập nhà nước Vạn Xuân. Ông được Lý Nam Đế phong là Nguyên Tứ thần triều, nhất phong Du công đại vương. Ông về hưởng thực ấp ở trang Ba La, Thanh Oai và mất ở đây, thọ 62 tuổi, được dân làng thờ làm thành hoàng.

Với những đề tài trang trí đa dạng về nghệ thuật kiến trúc, đình Văn La được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng, cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa số 28/VH-QĐ, ngày 281-1988.

– Miếu Mậu Lương:

Miếu Mậu Lương là ngôi miếu cổ, có từ lâu đời. Miếu nằm ngay ở đầu làng, đã qua nhiều lần tu sửa, đợt sửa chữa lớn nhất vào năm Minh Mệnh thứ nhất 1820. Miếu có giá trị về nghệ thuật kiến trúc, lịch sử và lưu giữ được nhiều hiện vật quý mang đậm nét phong cách thời Lê.

Vùng đất Mậu Lương xưa thuộc xã Trung Thanh Oai, tổng Thượng Thanh Oai. Miếu thờ hai vị thành hoàng làng là ông tổ nghề rèn có tên là Hoàng Công và Hồ Công có công truyền nghề cho dân Ngò Xá (Mậu Lương). Tương truyền hai ông vốn ở đất Hà Hoa, Châu Hoan (vùng Nghệ Tĩnh), cha là Nguyễn Danh Quang, mẹ là Trần Thị Thục. Hai anh em sinh đôi, khôi ngô tuấn tú, văn chương lưu loát, kinh sử, võ bị thao lược, am hiểu thiên văn địa lý. Sau khi cha mẹ mất, hai ông rời quê đi du ngoạn, học hỏi, gặp Tản Viên sơn thánh, được ngài truyền nghề trồng dâu nuôi tằm và nghề rèn. Hai anh em về Mậu Lương cùng nhân dân mở nghề trồng dâu nuôi tằm, rèn sắt.

Khi quân Thục xâm chiếm nước ta, hai ông đầu quân giúp vua Hùng đánh giặc. Sau khi thắng lợi trở về Mậu Lương, được một thời gian bỗng nhiên hai ông qua đời. Vua Hùng sai người về hành lễ và phong là “Thượng đẳng phúc thần”, chuẩn cho dân làng lập miếu để phụng thờ.

Hằng năm dân làng Mậu Lương tổ chức tế lễ vào ngày 25-2 âm lịch để tưởng nhớ công lao của hai ông Tổ nghề rèn. Ngày 223-1988, miếu Mậu Lương được Bộ Văn hóa Thông tin cấp bằng công nhận Di tích lịch sử văn hóa, số 191/VH-QĐ.

– Đình Mộ Lao:

Đình Mộ Lao nằm ở phía đầu làng trên một khu đất cao ven dòng sông Nhuệ, trông ra dòng sông. Đình thờ hai vị thần là Cao Sơn và Quý Minh đời Hùng Vương thứ 18. Hai vị phúc thần có công giúp Tản Viên sơn thánh trấn trị nơi biên cương, bảo vệ bờ cõi nước Văn Lang. Khu vực đất đình Mộ Lao là điểm quân binh của Cao Sơn chiến đấu chống giặc.

Sau khi hai vị mất, nhân dân Mộ Lao lập đền thờ. Đình hiện có 18 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến, đạo sớm nhất vào thời Lê Cảnh Hưng.

Đình Mộ Lao là công trình kiến trúc dựng xây nửa đầu thế kỷ XIX. Ngày 20-81945, đình Mộ Lao là nơi tự vệ, quần chúng Mộ Lao, Vạn Phúc, Văn Quán… tập trung tiến vào thị xã Hà Đông thực hiện kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ.

– Đình Văn Nội:

Đình Văn Nội vốn là một thảo am nhỏ dựng bằng tre, lợp gianh. Khi Lê Hoàn cầm quân đánh giặc, ông đã dừng chân làm lễ cầu âm thần phù linh ứng. Giành thắng lợi, vua Lê Đại Hành đã tặng dân làng 10 hốt kim vàng để sửa sang, nâng cấp. Đến thời Lê, năm Bảo Thái thứ 2 (1721), đình Văn Nội mới làm bằng gỗ, xây gạch, lợp ngói. Đến đời vua Tự Đức thứ 7, tháng 3-1854 đình được tu sửa như hiện nay.

Đình Văn Nội thờ thành hoàng làng là Đổng Xá Đại vương, còn gọi là Chu Bá, sinh thời tham gia khởi nghĩa hai Bà Trưng đánh đuổi Thái thú Tô Định – quan quân nhà Hán, giành quyền tự chủ cho đất nước. Sự hy sinh anh dũng của ông được nhân dân Văn Nội lập đền thờ, được các triều đại phong kiến phong 31 đạo sắc cho thần làng là: Đổng Xá Đại vương, tuyên dương công trạng là Thượng đẳng thần.

Trong cuộc chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất với không quân Mỹ (1965-1968), đình Văn Nội là nơi Tổng cục Hậu cần về sơ tán. Năm 1968, Bộ trưởng Quốc phòng – Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về đình Văn Nội thăm và làm việc với Tổng cục.

Với nghệ thuật kiến trúc và sự tích lịch sử của đình, ngày 3-2-1986, Bộ Văn hóa Thông tin ra Quyết định số 25/VH-QĐ công nhận và cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa cho đình Văn Nội.

– Đình Huyền Kỳ, phường Phú Lãm nằm về phía Tây Nam của làng. Theo tấm bia dựng ở hậu cung năm Thịnh Đức thứ 3 (1655) thì Đình có từ thời Lê. Theo thần phả, đình thờ Thành hoàng là ông Lãnh Lang, một vị tướng thời Hùng Vương thứ 18. Khi đất nước có ngoại xâm, Lãnh Lang lĩnh hai đạo quân thủy bộ tiến về hội quân ở khu Huyền Nhạc, trại Bắc Lãm (tức Huyền Kỳ ngày nay). Hơn hai chục dân binh ở địa phương theo ông đi đánh giặc, cùng đạo quân lập những chiến công ở trận Vũ Ninh, Sài Sơn. Quân Thục thất bại thảm hại. Sau thắng lợi, Tướng quân Lãnh Lang xin vua về Huyền Nhạc thăm trại Bắc Lãm và khao thưởng dân chúng vì đã có công giúp ông đánh giặc. Ngôi đình cổ làng Huyền Kỳ có quy mô lớn đồ sộ, kiến trúc theo kiểu chữ đinh, gồm tòa Đại bái và hậu cung. Đình còn lưu giữ 11 đạo đắc phong của các triều vua. Hội làng Huyền Kỳ diễn ra vào ngày mồng 8 tháng giêng âm lịch hàng năm.

– Đình Thanh Lãm, phường Phú Lãm thờ hai vị tướng thời Hai Bà Trung khởi nghĩa chống giạc Nam Hán là Đinh Cống và Đinh Lượng. Hai ông là anh em ruột, trong đó Đinh Lượng là chồng bà Phùng Thị Chính cũng là nữ tướng của Hà Bà Trưng. Khi Mã Viện đưa quân sang chiếm lại Giao Chỉ, Hai Bà Trưng thua trận. Giặc Nam Hán tiến đánh đội quân của bà Phùng Thị Chính tại Thanh Lãm. Biết sức không thể chống nổi đội quân của giặc, Bà đã tự vẫn tuẫn tiết. Phần mộ bà yên nghỉ ngay tại đầu làng, nay vẫn được bảo quản. Các đôi câu đối ở đình Thanh Lãm còn in đậm về tinh thần trung nghĩa của tướng quân Đinh Cống, Đinh Lượng và bà Phùng Thị Chính, trong đó một đôi câu đối có ghi:

Hảo hán tạc kim thê phủ nghĩa

Phù Trưng Vương thanh trận long thân

Nghĩa là: Giết Hán tạc giữ tròn đạo nghĩa

Phù Trưng Vương xung trận quên mình

Là ngôi đình cổ, tính đến năm thứ 2 đời vua Nguyễn Cảnh Thịnh, đình Thanh Lãm có 36 đạo sắc phong của các triều vua.

– Chùa Trúc Thánh, phường Phú Lương: được xây dựng theo hướng Nam, nguyên úy của chùa thiết kế theo kiểu nội công ngoại quốc. Chùa Trúc Thánh được xây dựng trước nhà Mạc, bởi căn cứ vào tấm bia có niên đại Đoan Thái tức là Mạc Mậu Hợp 1586, có ghi những người có công đóng góp vào việc trùng tu chùa.

Chùa Trúc Thánh đáng được quan tâm là 6 pho tượng từ pho thứ nhất đến pho thứ 6 có niên đại từ cuối thế kỷ XVI sang thế kỷ XVII. Chùa Trúc Thánh còn lại 20 viên gạch vồ là những viên gạch gốc được viền ở nền chùa. Khi chùa bị tan nát (do chiến tranh) nên được mang ra bó đường đi. Gạch này gặp nhiều ở thế kỷ XVI, đề tài trang trí: rồng, hổ, hoa lá; với 2 bố cục chủ yếu: rồng hổ trong tư thế đang bước đi và một bông hoa sen.

Chùa còn 12 cây bia, trong đó có 1 bia vuông, bia Đức Nguyên năm 1675 có mái liền khối đá với thân… Đặc biệt, chuông chùa đúc vào năm Cảnh Thịnh thứ XVIII (1793-1801), có 7 vị tước hầu trong đó có 3 ông đô đốc công đức đúc chuông làm chùa, thể hiện mối quan hệ trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh cuối thế kỷ XVIII. Trong chùa còn bảo lưu được nhiều di vật quý ở thế kỷ XVI-XVII và nhất là thế kỷ XVIII giai đoạn thời Tây Sơn.